Quán bún chả dưới chân cầu thang khu tập thể, hơn 30 năm vẫn nườm nượp khách
- Uyên Nguyễn Phương
- 9 thg 5
- 4 phút đọc
Hà Nội không thiếu những quán bún chả nổi tiếng, từ phố cổ đến các khu dân cư khắp mọi nơi. Có một quán bún chả nhỏ nằm lọt thỏm dưới chân cầu thang khu tập thể E3 Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội được nhiều người tìm đến bởi hương vị truyền thống và chỗ ngồi quen thuộc bên dưới khu nhà tập thể cũ.
Ai thường đi qua con phố Thái Thịnh vào mỗi buổi trưa có lẽ sẽ bắt gặp một hàng bún chả rất đông, đó là quán bún chả nằm ở dưới chân cầu thang khu tập thể E3 Thái Thịnh. Mỗi ngày, nơi đây đều tỏa ra mùi thơm nức mũi của thịt nướng, đủ khiến ai đi ngang cũng phải ngoái đầu.
Chị Hồng Hạnh, lần đầu đến quán theo lời giới thiệu của đồng nghiệp, kể: "Ban đầu mình hơi ngần ngại vì quán nằm dưới cầu thang, trông cũ kỹ, hơi chật. Nhưng vừa bước vào đã nghe mùi thịt nướng thơm quá. Đồ ăn mình thấy vừa miệng, nhưng đông quá nên đi ăn nhiều khi thấy... hơi áp lực. Cảm giác ăn xong rồi không dám ngồi lâu vì có nhiều khách còn đang chờ".

Quán bún chả này đặc biệt ở chỗ chẳng có hàng quán trong nhà, chẳng có tên, nhưng cũng không vì thế mà vắng khách. Khách đến đây ăn sẽ phải ngồi ở cái không gian có phần khá chật hẹp, những chiếc bàn ghế nhựa kê sát tường... có nhiều người sẽ cảm thấy bất tiện, nhưng có người lại lấy đó làm điều thú vị.
Chị Thu Minh, một khách quen làm việc gần đó, chia sẻ: "Mình đi làm gần đây nên thỉnh thoảng lại rủ rê đồng nghiệp qua đây ăn bún chả. Ở đây đông khách lắm nên đi muộn một chút là có khi phải đứng chờ xếp bàn. Đồ ăn thì mình thấy ổn, nhiều và đầy đặn nên đủ cho một bữa trưa no nê".

Với thâm niên hơn ba thập kỷ, quán bún chả này hiện do bà Đào Kim Anh cùng gia đình gìn giữ. Trước đây, quán do mẹ của bà Kim Anh bán ở phố Mai Hắc Đế, rồi sau đó chuyển đến bán ở Thái Thịnh đến bây giờ. Bản thân bà Kim Anh cũng theo mẹ phụ bán từ hồi mới 16 tuổi, cho đến nay, tuổi đã cao nhưng bà Kim Anh vẫn gắn bó với quán ăn của gia đình. Và cũng bởi đó là món ăn quen thuộc của biết bao người Hà Nội.
Mỗi ngày, bà Kim Anh cùng mọi người lại dậy từ 3 giờ sáng, sơ chế nguyên liệu, ướp thịt... để sáng có thể mở cửa phục vụ khách. Công việc đều đặn như một thói quen. Quán bán từ sáng đến trưa và thường đông nhất vào khung giờ ăn trưa. Khách ăn ở đây đa phần là dân văn phòng, người làm quanh khu vực Thái Thịnh, có cả các cô chú lớn tuổi và học sinh sinh viên. Có những khách ăn một lần rồi quay lại, rồi thành quen, thành thân, cứ đến trưa là rủ nhau "về dưới chân cầu thang khu tập thể ăn bún chả".
Mỗi phần bún chả ở đây bao gồm đầy đủ chả miếng, chả viên, bún, nước mắm pha và một rổ rau sống tươi xanh. Trên mỗi bàn luôn có sẵn một đĩa tỏi băm và ớt cắt nhỏ vô cùng hấp dẫn. Bún chả mà, thịt nướng là điểm nhấn. Chả miếng là thịt ba chỉ được thái mỏng, ướp với gia vị truyền thống như hành, tỏi, nước mắm, chút đường và hạt tiêu... sau đó được xếp lên vỉ nướng than hoa, mùi thơm lan xa, lửa riu riu khiến mặt ngoài cháy xém vàng ruộm thơm nức. Chả viên được làm từ thịt nạc vai băm nhuyễn, vo tròn rồi ép nhẹ, nướng vừa tay để giữ độ mềm ẩm. Ở đây còn có cả chả viên được bọc bên ngoài bằng lá lốt.

Một phần không thể thiếu của bún chả Hà Nội chính là nước chấm. Tại đây, nước mắm pha theo khẩu vị đậm, có vị chua nhẹ từ giấm, chút ngọt của đường, thêm tỏi, ớt thái lát. Khi thịt nướng vừa chín, được thả ngay vào bát nước chấm nóng hổi, thơm mùi mắm, mùi thịt và cả chút khói từ bếp than vẫn còn vương lại.
Bên cạnh thịt nướng thì ở đây còn có nem cua bể, món nem mà không phải quán bún chả nào cũng có. Nem được cuốn to, nhân đầy đặn với cua, thịt, mộc nhĩ, miến, trứng, sau đó chiên vàng giòn rụm. Gắp miếng nem, chấm vào nước mắm, cắn nhẹ một cái là thấy ngay độ giòn tan bên ngoài, ngậy thơm bên trong.
Tuy nhiên, nhược điểm là vì đông khách nên có vẻ quán rán nem hơi cháy. Những chiếc nem được cắt vội rồi cho vào đĩa nên phần vỏ nem giòn rơi ra có phần không đẹp mắt và chỉn chu cho lắm. Chả nướng cũng tương tự, đôi khi hơi cháy xem bên ngoài nên khi cho thịt vào bát nước, vẫn thấy những vụn than hoa lấp lo bên trong.
PHƯƠNG UYÊN
Comments